top of page

Ba điều bốn chuyện

Hôm Thứ Ba là ngày lễ Tình Yêu, hai đứa chúng tôi trao nhau tấm thiệp có hình tim hồng tim đỏ, rồi mạnh ai nấy lo chuẩn bị để ra khỏi nhà cho đúng giờ, vì có một ngày bận rộn.

Tháng Hai là tháng có ngày Lễ Tình Yêu. Hai đứa đã vẽ xong tấm poster lớn với cùng chủ đề cho phòng ăn chánh của Viện Dưỡng Lão. Adam có khiếu kẻ chữ. Tôi chỉ là thợ sai vặt, trong đó có việc cắt giấy mầu “tự do”. Công tác chính của tôi tháng này là cắt hình trái tim và hai con nai. Dù tấm poster có mầu sắc tươi vui với vài câu dí dỏm về ngày lễ, khung cảnh viện dưỡng lão không thấy khởi sắc chút nào. Càng ngày nơi này càng buồn hiu.

Hôm nọ Adam hỏi bà trưởng phòng tên Alexa số người còn lại nơi đây là bao nhiêu. Bà ta nói là khoảng 25 và “phần đông ở trong phòng.” Số người còn tự lăn xe vỏn vẹn còn có hai người. Một bà và một ông. Đồng bệnh tương lân, hai người này ngồi chung bàn vì còn có thể trao đổi với nhau những câu chuyện thường nhật. Nghe nói có lần ai đó đưa đến cho ông này một gói cần sa, nhưng vì không khéo dấu cho nên y tá thấy được. Thế là từ đó, họ không còn có “Mary Jane” để giải sầu.

Nhân ngày lễ Valentine, Alexa mời nhóm Big Island Ballroom Dance tới giúp vui. Bà đặt trước một ổ bánh ngọt và một chậu trái cây để đãi khách. Khoảng một tiếng trước khi chương trình bắt đầu, nhà bếp cho người mang qua một ổ bánh 11 x 15 inches, được trang trí đơn giản với hình ảnh trái tim đỏ, hồng trên nền kem trắng. Duy chậu trái cây thì có hơi bất thường. Sự khác thường không phải là vì trái cây làm bằng bột hay bằng cao-su mà là chúng ở trong trạng thái nguyên si như mới hái từ trên cây. Bà Alexa trố mắt khi thấy chậu trái cây nằm chễm chệ trên chiếc xe đẩy. Cái chậu to qúa khổ chứa hơn 60 trái táo, lê và cam. Những qủa táo đỏ xen lẫn với lê xanh và mầu vàng của cam coi đẹp mắt. Nhưng đối với mấy cụ hội viên của Hội Nhẩy Đầm, phần đông răng thật đã trở về cát bụi từ lâu, còn gì nữa đâu mà cắn táo với gặm lê?

Dù không đúng ý, bà trưởng phòng cũng nói cám ơn. Sau khi người phụ bếp đẩy chiếc xe ra khỏi phòng ăn, bà Alexa mới than trời “Mấy người bên nhà bếp không chịu nghĩ xa. Làm sao mà lại đưa cho tui trái cây chưa cắt? Bộ họ nghĩ những ông bà già trong Hội Nhẩy Đầm còn răng thiệt hay sao chớ?” Bà này than vậy chứ không hẳn nhắm vào ai, mặc dù tôi đang đứng xớ rớ gần đó. Nếu hỏi tôi, tôi sẽ trả lời “Có gì đâu, mình cắt nhỏ ra cho mấy cụ.” Judith, một nhân viên của Alexa cũng vừa tới, tình nguyện “Để tui đi kiếm con dao gọt vỏ, rồi cắt nhỏ.” Tôi phụ họa “Để tui giúp cho!” Judith mở tủ kiếm con dao. Dao thì chỉ có dao răng cưa, dùng để ăn thịt bò bí-tết. Judith không có lựa chọn nào khác, dùng dao này gọt vỏ táo. Còn con dao thứ hai, cũng răng cưa, đưa cho tôi. Tôi phụ trách phần cắt nhỏ. Hai đứa vừa gọt, vừa cắt vừa nói chuyện vãn, một hồi cũng được một thố to. Adam ngó tôi cắt trái cây bằng con dao ăn steak, dặn tôi cẩn thận rồi lắc đầu bỏ đi. Anh chàng không muốn đứng đó, lỡ dao lẹm vô tay tôi, máu me dầm dề thì e cầm lòng không đậu.

Khoảng 10 giờ, năm cặp từ Big Island Ballroom Dance kéo đến. Nhìn họ đóng bộ trong áo đầm, quần tây, áo sơmi, đeo cravate và đi giầy láng cóng trong khi ngoài trời nắng gắt tôi ngưỡng mộ những ông bà cụ này. Không biết họ nghĩ gì khi thấy số người họ giúp giải khuây chỉ đếm được trên đầu ngón tay? Nhìn từng cặp diù nhau trong điệu Cha Cha Cha, Rumba, Valse, Swing … lúc ẻo lả như cọng bún, lúc hào hứng sống động lướt nhanh trên sàn nhẩy, lúc lãng mạn du dương, trong khi chỉ có vài vị cao niên còn tỉnh táo thưởng thức, số còn lại, người thì há miệng ra để thở, người thì có một tấm khăn chụp lên đầu vì sợ ánh sáng, người thì ngủ gà ngủ gật, nước rãi chẩy ra bên miệng … nhìn như những cù lao nổi, khiến tôi buồn vu vơ. Hình ảnh này sao thảm sầu qúa. Hai thái cực. Một tĩnh, một động. Cùng trong một không gian mà như hai thế giới cách biệt, như một nhà đạo diễn lồng hai cảnh sống vào một khung hình. Sự khác biệt qúa chênh lệch như hai bến đò trên dòng đời. Một nước lũ. Một phẳng lặng như gương. Như hình ảnh đôi khi bắt gặp ở bến xe lửa. Một người mỏi mòn ngồi đợi. Một con tầu phóng vụt qua.

Tôi cảm phục lòng hy sinh của những cặp đang khiêu vũ. Không phải ai cũng hứng thú trình diễn trước một cử toạ mà phần đông bất động im lìm như thế.

Trước nhóm này có màn solo của một bà người Nhật góa chồng hai năm nay. Bà Sheryl đã không muốn ở không mà tự tập hát phần lớn những bản nhạc xưa mà các cụ ngoài 80 đã từng ưa chuộng, rồi sắm cho mình một cặp loa để đem tới hát tại những viện dưỡng lão. Lần đầu nghe Sheryl cất tiếng hát tôi tưởng lỗ tai tôi có vấn đề, vì bài hát nghe nó ngang thế nào ấy vì ca sĩ tài tử này hát sai điệu! Tuy nhiên, nếu kiên nhẫn nghe thì không phải bài nào bà này hát cũng trật nốt. Tôi không hiểu Sheryl có triệu chứng gì, vì không phải lúc nào bà cũng không phân biệt được sự khác nhau của các nốt nhạc. Tôi khâm phục bà này hết sức. Mặc dù biết mình đôi khi không hát đúng điệu (hay là bà lãng tai cho nên không biết điều này?) bà vẫn bơ đời vừa hát vừa nhún nhẩy, coi rất tự tin. Thế mà có một viện dưỡng lão đã không muốn Shirley tình nguyện, sau khi nghe bà này hát thử lần đầu.

Alexa thì không vậy, rất biết ơn bà “hát hay không bằng hay hát” này. Tôi cũng đồng ý với bà trưởng phòng, mặc dù không phải ai cũng nghĩ như chúng tôi. Có lần tôi nghe ai đó phê bình, “bài hát của người ta hay như vậy mà bả hát như vầy thì chết tui rồi còn gì!” sau khi nghe Sheryl trình bầy một bản nhạc Rock and Roll.

Bên cạnh “mua vui cũng một vài trống canh” cho những người đang bị gia đình và xã hội lãng quên, Sheryl còn mang con thỏ cưng tên Bunbun cho các cụ vuốt ve, ôm ấp, vào một ngày khác trong tháng. Bà này đặt mua trên Internet một cái túi xách để mang Bunbun theo. Túi làm bằng vải bố, có gắn một cửa sổ tròn bằng nhựa để Bunbun có thể nhìn ra ngoài cho khuây khoả. Sheryl gọi túi này là túi Phi Hành Gia, vì con Bunbun nhìn như một phi hành gia, khi ngồi phía sau cái cửa tròn đó. Con Bunbun rất là ngộ. Nguyên người mầu cà phê sữa, chỉ có mũi là đốm trắng. Dòm như một họa sĩ nào đó đã tinh nghịch dùng cọ phết một chút sơn lên mũi nó.

Sau bốn tiếng tình nguyện, tôi ghé nhà thờ dự Lễ. Chàng vì chưa vào đạo cho nên ngồi ngoài ban công nhà thờ đọc sách. Đôi khi có ai đi ngang thì ngồi lại tán gẫu với nhau. Bên này người ta kêu là “talk stories”. Sau Lễ hai đứa ghé đâu đó, thuờng là Subway để ăn trưa. Nếu muốn ngâm chân dưới nước mát trước khi vào lớp thì ghé qua Coconut Island. Nếu muốn tới lớp sớm để ôn bài vở thì chạy thẳng đến trung tâm người già.

Mấy tuần nay, bữa nào bà thầy Puakea cũng cho hai đứa trứng gà. Có hôm 6 trái. Có hôm nguyên một lố. Có trứng chỉ nhỉnh hơn hột mít một tị. Bà Puakea gọi đó là trứng của gà đang tập sự. Gà của bà thầy không chỉ một mầu trắng hay nâu mà đôi khi có mầu xanh lá cây hay xanh da trời nhạt. Đẹp qúa, tôi chỉ muốn giữ để chưng. Gà chạy rong nên lòng đỏ mầu cam, ăn thật là đậm đà. Bù lại, khi trả lại hộp đựng trứng, bao giờ chúng tôi cũng có món gì để tặng lại bà thầy người Ăng Lê gốc Nam Phi dễ thương. Một thỏi kẹo chocolat, một ít hạt dẻ, một ít nho khô….

Tình thầy trò nơi này gần gũi làm sao. Bà thầy hôm qua kể là phải cho một con dê “đi ngủ” vì nó bị chó nào đó cắn mà bà không hay. Con dê cứ nằm bẹp cho tới khi bà tới gần lay nó mới thấy lông nó đầy tay (vì những con dòi đã sanh sôi từ vết thương khiến lông rụng dần!) Chuyện con ngan rượt theo con vịt bà phải can thiệp đã giúp mọi người tạm quên lòng trắc ẩn đối với con vật đáng thương. Không giầy, không dép, bà rượt theo con ngan. Chụp được nó, bà nắm cổ nó, giơ lên ngang tầm mắt rồi tra hoạnh như người ta tra tù, “Tại sao mày không để con vịt yên? Hở? Hở? Nếu ta rượt mày mỗi ngày thì mày nghĩ sao?” Không biết có phải vì mải rượt con ngan cho nên đã dẵm vô vật gì bén? Bàn chân trái bà có cột băng. Nhìn mà phát xót! Bà thầy ở tuốt trên đỉnh đồi, nơi mà nước thành phố chưa lên tới, điện thì cần máy phát điện! Mới đây hồ nước có con gì rơi vào, thối mùi chuột chết! Adam đề nghị lên giúp bà xả cái hồ nhưng bà nói “Cám ơn, tôi không cần đâu.”

Sau khi tan lớp, hai đứa lái về nhà. Khi đợi cánh cổng mở ra tụi tôi thấy trên sườn đồi nhà Ken có hai đám cháy nhỏ. Ngang chiều với căn nhà là hai đám cháy to hơn. Nhớ lại năm trước ông chủ nhà có đốt mấy bụi tre (vì tre mọc qúa cao, che cả biển) cho nên chúng tôi yên tâm.

Tôi đi vô nhà, Adam đứng ngắm lửa với Ken. Anh chàng hỏi có cần giúp thì Ken nói không cần. Dù sao, tôi vẫn cảm thấy bất an vì lửa năm nay bốc cao hơn năm ngoái, cao qua nửa chiều cao của bụi tre. Một dấu hiệu khác thường là chàng chủ nhà cầm sẵn vòi nước, đứng canh kế đó. Thuộc tuýp người lo xa, tôi chạy ra tháo rời vòi nước ở trên đồi, phía hông nhà, lỡ lửa cháy lan qua vườn nhà bên cạnh, cần nối thêm dây (dù nhà Ken và nhà Will cách nhau một con lạch, nhưng cỏ tranh và fern mọc dầy, kế bên một cây thông cổ thụ). Sau đó tôi vô trong phòng thăm dò tình thế, nghĩ bụng nếu lửa bén tới căn apartment này thì tôi sẽ ôm trước món nào để chạy cháy. Đồ đạc đem theo gần hai năm nay còn nằm trong nhà kho. Vật cần tản cư là thùng đựng giấy tờ quan trọng, mấy cuốn nhật ký và hộp backup của hai cái PC.

Tôi định vậy chứ cũng may, Ken đã dập tắt ngọn lửa gần lan ra xa. Gizelle ở bên kia đường cũng chạy sang coi tình hình. Tôi mong lần sau Ken tưới nước trước ở khu gần cây thông và fern, vì hai thứ có dầu, bắt lửa rất nhanh. Tôi hỏi bao lâu thì xe cứu hoả sẽ lên tới đây. Adam nói khoảng 20 phút. Hai mươi phút? Lúc đó còn gì?

Khi biết chúng tôi sửa soạn dọn sang bên Đảo Lớn, một người bạn khuyên nên suy nghĩ kỹ vì ở bên này buồn chán lắm, trời mưa hết hơn hai phần ba một năm khiến người ta sớm bỏ đảo mà đi. Tôi không biết mai này, sau khi đã chán chê những buổi mưa suốt tuần, suốt tháng, sau khi đã chán nghe cả trăm con chim hót gọi nhau thức giấc vào buổi sáng, chán cảnh mặt trời mọc huy hoàng trên biển hay chán nghe những cành dừa lao xao khi gió Mùa đến, tôi có muốn bỏ đảo mà đi? Trong khi chờ đợi, lâu lâu có một buổi như hôm Thứ Ba vừa rồi, khi ông chủ nhà đốt tre xuýt cháy nhà, thì cũng đủ hào hứng để bù lại cho những ngày bình thường khác.

Khổng thị Thanh-Hương

bottom of page